Địa lý tự nhiên Vĩnh_Tường

Địa lý

Vĩnh Tường là huyện nằm ở đỉnh tam giác đồng bằng Bắc Bộ, nằm bên tả ngạn sông Hồng ở về phía Tây Nam của tỉnh Vĩnh Phúc. Bắc giáp huyện Lập Thạch và Tam Dương; Tây Bắc giáp thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, tây giáp huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây (thành phố Hà Nội); đông giáp huyện Yên Lạc.

Vị trí địa lý của Vĩnh Tường nhìn chung rất thuận lợi cho phát triển kinh tế. Vĩnh Tường tiếp giáp với thành phố công nghiệp Việt Trì, thị xã Sơn Tây, cận kề với thành phố tỉnh lị Vĩnh Yên…Huyện có 9 tìm đường Quốc lộ 2A và 14 km đường Quốc lộ 2C chạy qua; đồng thời có hai ga hàng hoá đường sắt tuyến Hà Nội - Lào Cai (Bạch Hạc và Hướng Lại); về đường sông có hai cảng trên sông Hồng tại xã Vĩnh Thịnh và xã Cao Đại, có hai khu công nghiệp Chấn Hưng, Đồng Sóc và cụm KT-XH Tân Tiến đang được triển khai; có Đầm Rưng rộng khoảng 80 ha là trung tâm du lịch đầy tiềm năng trong tương lai…Những yếu tố đó mang lại cho Vĩnh Tường một vị trí khá quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là điều kiện thuận lợi để nhân dân Vĩnh Tường tiếp cận, giao lưu, trao đổi hàng hoá, phát triển kinh tế, văn hoá xã hội với các vùng lân cận:

Địa hình và thổ nhưỡng

Vĩnh Tường là huyện đồng bằng, lại có hệ thống đê trung ương (đê sông Hồng và sông Phó Đáy với tổng chiều dài 30 km) che chắn cả ba bề bắc - tây - nam, địa hình của huyện được chia thành 3 vùng khá rõ rệt…

Vùng đồng bằng phù sa cổ: ở các xã phía bắc và một phần phía tây bắc huyện. Đây là vùng tiếp nối của đồng bằng trước núi với đồng bằng châu thổ lớn đất màu mỡ ở đây tương đối mỏng, đa số đã bạc màu. Địa hình không bằng phẳng, ruộng cao xen ruộng thấp làm cho việc canh tác gặp nhiều khó khăn.

Vùng đất bãi nằm ngoài các con đê sông Hồng và sông Phó Đáy: chạy dọc suốt một dải phía bắc, tây bắc và phía tây của huyện. Đất ở đây màu mỡ do hàng năm được phù sa của các con sông bồi đắp tạo nên một vùng bãi rộng lớn và trù phú, rất phù hợp với các loại cây dâu, mía, cỏ voi, ngô, đậu và các cây rau màu khác.

Vùng đất phù sa châu thổ bên trong đê: nối liền miền đất phù sa cổ, kéo dài xuống phía nam, giáp huyện Yên Lạc. Địa hình khá bằng phẳng, thuận lợi cho điều tiết thuỷ lợi, tạo điều kiện để nhân dân thâm canh cây lúa ở trình độ cao.

Sự phân chia địa hình, thổ nhưỡng huyện Vĩnh Tường có ý nghĩa thực tiễn trong việc xác định hướng chuyển dịch cơ cấu của từng vùng, từng địa phương theo hướng sản xuất hàng hoá, đẩy mạnh công nghiệp hoá nông nghiệp, hiện đại hoá nông thôn ở huyện Vĩnh Tường hiện nay. Sự phân chia ấy tạo cho ta một cách nhìn tổng thể địa hình, địa vật rất phong phú của một vùng quê với những xóm làng đông đúc, cây lá xanh tươi bốn mùa, với nhiều cảnh sắc tự nhiên tươi đẹp, một vùng đất "Sơn chầu thủy tụ”, "Địa linh nhân kiệt", tạo ra ấn tượng khó quên đối với những ai có dịp ghé thăm Vĩnh Tường.

Khí hậu

Vĩnh Tường thuộc khu vực nhiệt đới gió mùa, nắng lắm mưa nhiều. Nhưng do nằm khá sâu trong đất liền, đồng thời có sự che chắn của hai dãy núi: dãy Tam Đảo (phía Đông Bắc) và dãy Ba Vì (phía Tây) nên khí hậu ở Vĩnh Tường không quá khắc nghiệt và ít bị bão lốc đe dọa. Nhiệt độ trung bình trong năm là 23,60c.Giữa nhiệt độ trung bình tháng cao nhất với nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất chênh lệch 120C (có tháng nhiệt độ lên tới 28,80C nhưng có tháng nhiệt độ chỉ 16,80C.

Độ ấm trung bình trong năm là 82%. Lượng mưa trung bình 1.500 mm/năm với số ngày mưa trung bình là 133 ngày/năm. Mùa mưa thường từ tháng 4 đến tháng 10 với lượng mưa trung bình là 189 mm/tháng; mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau với lượng mưa trung bình là 55 mm/tháng.

Thủy văn

Ba con sông chính chảy qua và bao quanh địa phận huyện Vĩnh Tường là sông Hồng, sông Phó Đáy và sông Phan.

Sông Hồng là ranh giới tự nhiên giữa Vĩnh Tường với huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây và huyện Phúc Thọ của Hà Nội. Sông Hồng cung cấp một lượng nước lớn phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trong huyện. Mặt khác, sông bồi đắp phù sa, tạo nên những vùng đất màu mỡ, phì nhiêu.

Một phần sông Phó Đáy chảy qua huyện Vĩnh Tường, tạo ranh giới tự nhiên giữa Vĩnh Tường và Lập Thạch. Sông Phó Đáy có lưu lượng bình quân 23m3 giây; lưu lượng cao nhất là 833m3/giây; mùa khô kiệt, lưu lượng nước chỉ 4 m3/giây, có tác dụng cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.

Sông Phan thuộc hệ thống sông Cà Lồ, chảy trong nội tỉnh. Sông Phan bắt nguồn từ núi Tam Đảo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và một phần giao thông trong huyện. Về mùa khô, mực nước sông rất thấp, nhưng về mùa mưa, nước từ Tam Đảo đổ xuống nên mực nước khá cao, gây ngập úng nhiều nơi.

Nằm xen giữa những cánh đồng lúa, rau, màu là những đầm, ao, hồ khá rộng và đẹp mắt. Tiêu biểu là: Đầm Rưng, đầm Kiên Cương, đầm Phú Đa, vực Xanh, vực Quảng Cư…Ngoài tác dụng cho giá trị kinh tế từ nuôi thả cá, tôm, đầm ao hồ còn là nơi điều hòa nước, điều hòa khí hậu, hòa sắc với làng, xóm và cánh đồng lúa xanh, tạo nên bức tranh quê đẹp đẽ, hiền hòa.